Trận đánh Trận Luzon

Các tàu chiến USS Pennsylvania (BB-38)USS Colorado (BB-45) dẫn đầu các tuần dương hạm tiến về vịnh Lingayen cho các chiến dịch bắn phá các vị trí dọc theo bờ biển trước cuộc đổ bộ chính

Trong khi đó cuộc đổ bộ lên Luzon được thực thi theo kế hoạch đã vạch trước vào ngày 9 tháng 1-1945, mang mật danh S-day. Ngay lập tức, lực lượng Nhật đã báo cáo sự hiện diện của 70 tàu chiến Đồng Minh trong vịnh Lingayen. Chiến dịch bắn phá trước cuộc đổ bộ chính bắt đầu vào lúc 07:00h. Tiếp đến, trận đánh vịnh Lingayen mở màng một giờ sau đó.[4] Lực lượng đổ bộ đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các máy bay thần phong. Kết quả là tàu USS Ommaney Bay đã bị phá hủy sau một cuộc tấn công tự sát của một máy bay thần phong, trong khi vài tàu khu trục và tàu chiến khác cũng bị đánh chìm.[2] Các máy bay từ Đệ tam Hạm đội Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ cuộc đổ bộ bằng việc yểm trợ trên không, bắn phá và ném bom các công sự Nhật.[5]

Cuộc đổ bộ lên vịnh Lingayen ngày 9 tháng 1 thực hiện bởi Tập đoàn quân số 6 dưới sự chỉ huy của Tướng Walter Krueger. Xấp xỉ 175.000 lính thuộc Tập đoàn quân số 6 đổ bộ dọc theo bờ biển dài 20 dặm chỉ trong vài ngày, trong khi Quân đoàn Thủy quân lục chiến I bảo vệ những cánh quân của họ. Tiếp sau đó Quân đoàn Thủy quân lục chiến XIV do Tướng Oscar Griswold chỉ huy tiến về hướng Nam đến thành phố Manila, mặc cho những mối quan ngại của Krueger rằng cánh phía Đông của ông không được bảo vệ và dễ bị tổn thương nếu quân Nhật tấn công. Tuy nhiên, không có một cuộc tấn công như vậy xảy ra và lực lượng Mỹ không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào cho đến khi họ đến được căn cứ không quân Clark ngày 23 tháng 1. Trận đánh tại đây kéo dài cho tới tận cuối tháng 1 và sau khi lấy được vị trí này, Quân đoàn XIV thẳng tiến về Manila.[3]

Làn sóng của các binh lính đầu tiên tiếp cận Luzon.

Cuộc đổ bộ thứ hai diễn ra ngày 15 tháng 1, 45 dặm về phía Tây Nam Manila. Đến ngày 31 tháng 1, hai Trung đoàn thuộc Sư đoàn Không vận 11 làm cuộc đổ bộ bằng đường không chiếm giữ một cây cầu và sau đó tiến về Manila. Ngày 3 tháng 2, Sư đoàn Kỵ binh số 1 chiếm giữ cây cầu bắt ngang sông Tuliahan dẫn tới thành phố. Họ tiến vào thành phố vào buổi tối, và tại đây trận đánh giành quyền làm chủ Manila bắt đầu. Đến 4 tháng 2 các lính dù thuộc Sư đoàn không vận 11 tiếp cận thành phố từ hướng Nam, sau đó họ bị chặn lại khi đụng độ với hệ thống phòng thủ chính của quân Nhật phía Nam Manila. Tướng Yamashita đã ra lệnh phá hủy tất cả các cây cầu và các cơ sở quan trọng khác ngay khi lực lượng Mỹ tiến vào thành phố, và lực lượng Nhật tại đây đào các đường hào khắp thành phố nhằm chống trả lại lính Mỹ. Tướng MacArthur loan báo về sự tái chiếm Manila cùng ngày hôm đó. Đến 11 tháng 2, Sư đoàn Không vận 11 đánh chiếm được vị trí phòng thủ cuối cùng của quân Nhật ở vòng ngoài, khép chặt vòng vây đối với thành phố. Tiếp theo lực lượng Mỹ và Philippines thực hiện các chiến dịch càn quét trong thành phố nhiều tuần sau đó.[3] Thương vong trong trận này là 1.010 lính Mỹ và 12.000 lính Nhật.

Các trận chiến khác vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên hòn đảo Luzon trong các tuần tiếp theo, cùng với số binh lính Mỹ ngày một tăng do được sự tăng viện tích cực. Các chiến binh người Philippines cũng góp phần gây rối quân Nhật và tấn công và làm chủ một vài nơi. Đến tháng 3 thì lực lượng Đồng Minh đã hoàn toàn kiểm soát mọi cơ sở kinh tế quan trọng và các vị trí chiến lược trên đảo. Những nhóm tàn quân Nhật nhỏ rút lui về vùng các rừng núi trên đảo nơi mà họ bị bao vây. Các vị trí quân Nhật trong núi hầu hết đều ngừng bắn sau sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật trong chiến tranh nhưng các vị trí rải rác khác vẫn chống trả nhiều năm sau.[3] Tổn thất của hai bên đặc biệt cao, tổng cộng quân Nhật mất 205.535 lính, và 9.050 bị bắt làm tù binh. Thương vong quân Đồng Minh thì ít hơn với 8.310 người chết và 29.560 bị thương.